Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

GIỚI THIỆU TÀI LIỆU VỀ CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN (1950-1953)




Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã lùi xa vào quá khứ, song hàm chứa những mâu thuẫn của cuộc đối đầu Đông – Tây với những tính toán và kế hoạch của các cường quốc thế giới, đến nay, cuộc chiến tranh này vẫn là một trong những sự kiện lịch sử làm tốn không ít giấy mực của giới nghiên cứu. Càng có độ lùi thời gian, cùng với việc các quốc gia liên quan dần giải mật, công bố các tư liệu về cuộc chiến tranh, các chiều cạnh khác nhau của cuộc chiến ngày càng được soi tỏ trên nhiều bình diện. Cố gắng vượt qua yếu tố chính trị và ý thức hệ, bằng nỗ lực lao động khoa học và mong muốn tiến gần hơn tới hiện thực khách quan, các nhà nghiên cứu Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã chung tay ghép những mảng lịch sử rời rạc, phục dựng bức tranh về cuộc chiến tranh nhiều bí ẩn này. Trân trọng giới thiệu đến cộng đồng nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu quan hệ quốc tế thời kỳ Chiến tranh Lạnh một số công trình về Chiến tranh Triều Tiên dưới nhiều góc độ tiếp cận với những góc nhìn hết sức phong phú, đa dạng.
Có thể Download các tài liệu tại địa chỉ : Chuyên mục Thư viện, Trang Web TRI THỨC

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

VỀ THÔNG CÁO THƯỢNG HẢI (28-2-1972)



Mùa xuân 1971, Trung Quốc chính thức đặt vấn đề mời Kissinger - cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ tới Bắc Kinh trực tiếp đàm phán, dàn xếp, chuẩn bị cho chuyến đi của R.Nixon đến Bắc Kinh tháng 2-1972. Chuyến thăm Trung Quốc của R.Nixon tháng 2-1972 là một bước đột phá quan trọng trong quan hệ Trung - Mỹ, mở màn cho ngoại giao ba bên, tác động nhiều chiều đến quan hệ quốc tế, đến quan hệ Mỹ – Xô. Sự kiện này đồng thời có ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Việt - Trung.
Chuyến thăm Trung Quốc tháng 2-1972 của Tổng thống R.Nixon đã làm tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu. Các phân tích, bình luận xung quanh sự kiện này không chỉ phong phú, đa chiều, mà thậm chí còn trái ngược nhau. Một trong những văn kiện công khai của “một tuần lễ làm thay đổi thế giới” là Thông cáo Thượng Hải (28-2-1972), mà một trong những nội dung của nó là về vấn đề Việt Nam. Có điều, khác với thông lệ, trên vấn đề này, quan điểm của hai quốc gia cùng ký chung vào một thông cáo có khoảng cách khá xa. Kết quả cuối cùng là hai bên chủ yếu nêu lập trường của mình: Trung Quốc ủng hộ lập trường 7 điểm của Việt Nam, Mỹ giữ đề nghị 8 điểm tháng 10/1971- điều đó cho thấy Trung Quốc có thái độ ứng xử khá thận trọng, không có thoả thuận cụ thể về vấn đề Việt Nam. Để có thể nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, công bằng về sự kiện kể trên, có thể tham khảo, phân tích thêm nội dung toàn văn Thông cáo Thượng Hải.

Download Thông cáo Thượng Hải tại địa chỉ: Mục Tài liệu, Trang Web TRI THỨC

GIỚI THIỆU CÔNG TRÌNH: MAO’S CHINA AND THE COLD WAR, TÁC GIẢ CHEN JIAN


Trong cộng đồng các nhà sử học, vấn đề Chiến tranh Lạnh; quan hệ giữa các nước trong Chiến tranh Lạnh luôn là một đề tài nóng hổi, thu hút sự chú ý, quan tâm nghiên cứu. Cùng với thời gian, việc các quốc gia đã từng có vị trí, vai trò và ảnh hưởng đến cục diện thế giới trong Chiến tranh Lạnh đang dần giải mật, công bố các tư liệu có liên quan đến thời kỳ lịch sử đặc biệt này đang tạo ra những khả năng và cơ hội cho giới sử học đánh giá, phân tích, nhìn nhận những vấn đề thuộc về hoặc liên quan một cách chân thực, khách quan, rõ ràng hơn. Trong xu thế đó, từ đầu những năm 90 (XX), nhà nghiên cứu Chen Jian đã tới Trung Quốc hơn mười lần để khai thác các tư liệu lưu trữ, nhằm tái hiện lại một cách đầy đủ hơn vị trí, vai trò, thái độ của Trung Quốc trong Chiến tranh Lạnh; vai trò trung tâm của Mao Trạch Đông trong giải quyết các vấn đề về đối ngoại, quan hệ quốc tế của Trung Quốc trong Chiến tranh Lạnh… Mặc dù không phải tất cả quan điểm, các kết luận của tác giả Chen Jian trong cuốn sách Mao’s China and the Cold war đã hoàn toàn vượt qua thiên kiến, duy cảm, song những sự kiện, tư liệu mà cuốn sách cung cấp, quả thật, có những giá trị không thể phủ nhận đối với tất thảy những ai nghiên cứu quan hệ quốc tế.
Có thể Downloat công trình có dung lượng 450 trang tại địa chỉ: Mục Thư viện sách, Trang Web TRI THỨC